Tội phạm trẻ em, nỗi đau người lớn (Bài 1): Đau lòng khi tội phạm mang gương mặt trẻ con

VHO- Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng, thủ đoạn dã man, gây ra những cái chết thương tâm khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Ðiều đáng nói là một số vụ kẻ thủ ác tuổi đời còn rất trẻ. Điều gì đã khiến những đứa trẻ vị thành niên trở nên tàn ác, vô cảm? Nguyên nhân vì đâu? Và cần phải làm gì để ngăn chặn những đứa trẻ phạm tội?

Tội phạm trẻ em, nỗi đau người lớn (Bài 1): Đau lòng khi tội phạm mang gương mặt trẻ con - Anh 1

 Hồ Hữu T bị bắt tạm giam vì hành vi Giết người

 Từ thực trạng, soi chiếu nguyên nhân và cùng tìm ra giải pháp từ các chuyên gia, Văn Hóa mong muốn góp thêm tiếng nói nhằm đẩy lùi xu hướng trẻ hóa tội phạm, bảo vệ thanh thiếu niên sa chân vào con đường tội lỗi.

Nhng con s đau lòng

Ngày 25.10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam P.M.Q (14 tuổi) về tội Giết người. Theo điều tra ban đầu, ngày 14.10, bà nội và bố Q đều bị tử vong tại nhà; đến ngày 15.10, bác ruột của Q cũng được đưa đi cấp cứu nhưng may mắn thoát chết. Cả ba nạn nhân đều uống sữa bột từ hộp sữa mà bà nội Q mua. Kết quả điều tra cho thấy, thủ phạm là P.M.Q đã cho bả chó vào hộp sữa.

Cách đây vài ngày, Công an tỉnh An Giang đã tạm giữ Hồ Hữu T (sinh năm 2009, ngụ ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, An Giang) về hành vi giết người, sau khi T dùng dao đâm Lê Hiếu T tử vong chỉ vì mâu thuẫn trong lúc chơi bida trước đó.

Những vụ án giết người liêp tiếp xảy ra mà thủ phạm là những đứa trẻ chưa đến tuổi trưởng thành đã gây rúng động xã hội bởi mức độ đặc biệt nghiêm trọng, hành vi tàn ác, thậm chí chúng còn nghiên cứu kỹ lưỡng và tính toán từ trước; không chỉ giết người mà còn giết nhiều người…

Theo thống kê, trong hai năm 2021-2022, liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội, vi phạm pháp luật, cơ quan công an đã điều tra, khởi tố 4.070 vụ/7.527 bị can; tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý, giải quyết xét xử 3.142 vụ/5.758 bị cáo. Trong đó, các đối tượng thực hiện hành vi có độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm chủ yếu (71,2%), đa số là học sinh cá biệt, hư hỏng, nghiện game, đã bỏ học, thường xuyên giao du với các đối tượng xấu có tiền án, tiền sự hoặc bị lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật (có 6.674 đối tượng bỏ học, chiếm 40% tổng số đối tượng). Đặc biệt, xuất hiện nhiều vụ việc nhóm thanh thiếu niên lên mạng xã hội để hẹn nhau, lôi kéo tụ tập thành nhóm sử dụng vũ khí nóng (súng, bom xăng tự chế...) để giải quyết mâu thuẫn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự; đáng chú ý có vụ các đối tượng từ nhiều tỉnh, thành tổ chức tụ tập đua xe; một số đối tượng dưới 18 tuổi manh động, liều lĩnh, phạm tội nhiều lần, sử dụng xe máy để cướp giật tài sản…

Có thể điểm ra vài vụ như: Vụ giết người do mâu thuẫn giao thông xảy ra tại Lâm Đồng ngày 3.8.2022, trong đó có hai nghi phạm trực tiếp tham gia đâm chết người vì nẹt “pô”, nhìn “đểu” đều dưới 18 tuổi là Nguyễn Nhật H (15 tuổi, trú tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) và Hoàng Trọng T (16 tuổi, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng); Vụ giết người, hiếp dâm xảy ra tại Sơn La ngày 23.7.2022 do Thào A L (14 tuổi, trú bản Pắc Bẻ B, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, Sơn La), nạn nhân là em Thào Thị T (16 tuổi, trú tại cùng bản với L); Vụ giết người, cướp tài sản xảy ra tại Bắc Ninh ngày 2.8.2022, trong đó hai can phạm là Vàng Văn Ngh (sinh năm 2006, trú tại xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) và Lê Hữu H (sinh năm 2006, quê tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội) đã dùng dao tước đoạt mạng sống của bà Phan Thị B để cướp tài sản; Vụ 80 thanh thiếu niên “hỗn chiến” xảy ra tại Hà Nội ngày 5.8.2022 (trong đó đã khởi tố 10 đối tượng dưới 18 tuổi về hành vi Gây rối trật tự công cộng)…

Trong 6 tháng đầu năm 2023, liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, toàn quốc phát hiện 2.567 vụ với 6.644 đối tượng. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 1.397 vụ/3.192 bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội; đã giải quyết, xét xử 1.103 vụ/2.323 bị cáo. Trong đó có 7 bị cáo bị phạt tù từ trên 15 năm đến 18 năm; 89 bị cáo phạt tù từ trên 7 năm đến 15 năm; 322 bị cáo phạt tù từ trên 3 năm đến 7 năm; 974 bị cáo phạt tù từ 3 năm trở xuống; 589 bị cáo phạt tù cho hưởng án treo; 116 bị cáo cải tạo không giam giữ; còn lại là các hình phạt khác.

Tội phạm trẻ em, nỗi đau người lớn (Bài 1): Đau lòng khi tội phạm mang gương mặt trẻ con - Anh 2

Hành động trộn bả chó vào sữa của P.M.Q đã khiến hai người ruột thịt tử vong

Nhiu phương thc gây án

Nhắc đến vụ án của P.M.Q vừa xảy ra tại Tiền Giang, nhiều người không khỏi bàng hoàng vì một đứa trẻ đã đang tâm cướp đi sinh mạng của hai người, làm tổn hại nghiêm trọng sức khỏe của một người khác và đều là ruột thịt. Điều đáng nói, kẻ thủ ác đã ra tay một cách lạnh lùng và có tính toán kỹ càng.

Ở độ tuổi 14, đối tượng Q đã có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, nhưng vẫn quyết tâm thực hiện tội ác đến cùng. Thông qua tình tiết Q nói dối khi xin bả chó, rằng dùng để giết chó hoang, chứng tỏ cậu ta biết rõ công năng, tác hại của loại chất độc này đối với động vật nếu ăn phải. Còn với trường hợp Hồ Hữu T ở An Giang, dù chỉ là mâu thuẫn nhỏ trong lúc chơi bida, nhưng T đã thẳng tay tước đi mạng sống của người khác. Việc mang dao đi giải quyết mâu thuẫn và dùng dao để tấn công nạn nhân cũng cho thấy T hiểu rất rõ việc sử dụng hung khí này có thể gây nguy hiểm đến sinh mạng con người.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, người chưa thành niên vi phạm pháp luật đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Nổi lên là tình trạng thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội để lôi kéo, rủ nhau tham gia các vụ việc vi phạm với quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Một số đối tượng tụ tập, sinh hoạt chung trong nhà trọ và sử dụng xe mô tô che biển, không gắn biển kiểm soát, dàn dựng các vụ mâu thuẫn, ẩu đả hoặc va chạm giao thông để thực hiện hành vi trộm cắp, cướp tài sản…

Nhắc lại những vụ án đau lòng có liên quan đến trẻ vị thành niên xảy ra trong thời gian gần đây để thấy rằng, tính chất, mức độ và hành vi phạm tội không còn đơn thuần là xích mích, dằn mặt, gây rối mà có chiều hướng manh động, hung hãn, vượt quá giới hạn khi đánh nhau có vũ khí, giết người, mua bán, sử dụng ma túy... Đó cũng là thực trạng cực kỳ đáng lo ngại, đòi hỏi phải có những cách thức phù hợp để giảm thiểu tình trạng tội phạm tuổi vị thành niên.

Người dưới 18 tuổi nhận thức, ý thức chưa hoàn thiện nên trách nhiệm gánh chịu hậu quả với pháp luật sẽ khác với người từ đủ 18 tuổi trở lên. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số Điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; không bị xử phạt chung thân, tử hình… Mặc dù pháp luật có chính sách khoan hồng, nhưng trước thực trạng giới trẻ vi phạm pháp luật có xu hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt nhiều vụ án có người phạm tội dưới 18 tuổi thực hiện hoặc tham gia thể hiện bản chất côn đồ, lối sống đua đòi, thực dụng thì việc tìm ra nguyên nhân và giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng trẻ hóa tội phạm, góp phần bảo vệ thanh, thiếu niên trước những mặt trái của xã hội là trách nhiệm không chỉ của riêng cơ quan tố tụng mà đòi hỏi toàn xã hội phải cùng chung tay, nhất là vai trò của phụ huynh, nhà trường và các tổ chức đoàn thể…

 Trở lại vụ án đầu độc cha và bà nội bằng bả chó của P.M.Q, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng này là người chưa thành niên, chưa đủ 18 tuổi nên được áp dụng chính sách khoan hồng, chỉ phải chịu hình phạt không quá 12 năm tù. Ngoài ra, xét ở một góc độ nào đó thì hành vi giết người thân thể hiện sự bế tắc đến tột cùng của một cậu bé 14 tuổi, khi kẻ thủ ác không thể giải quyết mâu thuẫn bằng cách thức mang tính thiện chí, tốt đẹp…

 

 HOÀNG HƯƠNG - QUNH HOA

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc